Đánh giá Chúng tôi từng là lính

Bài hay đoạn này cần người am hiểu về chủ đề của nó để trợ giúp biên tập và mở rộng bài viết.
Bạn có thể giúp chỉnh sửa bài hoặc nhờ một ai đó. Xem trang thảo luận để biết thêm chi tiết.

Ý kiến ở Mỹ

Bộ phim sau khi chiếu đã gây ra nhiều phản ứng khác nhau. Về phía Mỹ, đây được xem là một bộ phim thành công và thu được doanh thu cao (20,2 triệu USD) và được hưởng ứng tích cực từ khán giả Mỹ, phim đã được trình chiếu trong Nhà Trắng cho Tổng thống Mỹ Bush và các quan chức Nhà Trắng. Bộ phim được đánh giá là có một cái nhìn đúng đắn hơn về chiến tranh, về tinh thần nhân đạo, lòng quả cảm và sự bao dung[3]. Và đây cũng được cho là bộ phim mới nhất tại Mỹ xây dựng về đề tài chiến sự tại Việt Nam. David Kaminow, Phó giám đốc phụ trách marketing hãng Miramax, nhận xét: "Trong thời gian này, những bộ phim hài lãng mạn đang chiếm thế thượng phong tại khắp các rạp chiếu ở Mỹ, nhưng We Were Soldiers đã làm thay đổi điều đó".[2]

Tuy vậy, một số ý kiến từ phía Mỹ cũng không đồng tình về bộ phim này. Theo các báo giới ở Việt Nam thì Joseph L. Galloway, đồng tác giả của cuốn sách cùng tên đã "rất ngạc nhiên và tức giận sau khi xem phim"... Theo Galloway, giữa cuốn sách mà ông là đồng tác giả với bộ phim, dù cùng một câu chuyện nhưng có nội dung khác nhau, Galloway khẳng định cuốn sách đã phản ánh đúng sự thật, nhưng khi lên phim mọi chuyện thay đổi.

Ông còn cho biết Tướng Moore và Galloway được mời làm cố vấn cho bộ phim nhưng thực ra những cảnh phim họ được xem rất ít. Mỗi khi phát hiện ra những cảnh sai với sự thật, tướng Moore và Galloway đều nói với đạo diễn, nhưng mọi chuyện sau đó họ không phải là người quyết định. Tướng Moore và Galloway đã nổi giận khi xem phim và ngay sau đó đã lớn tiếng chỉ trích các nhà làm phim. Theo ông, Hollywood đã phim ảnh hóa tới hơn 80% sự thật để thu được lợi nhuận cao, trong khi thông thường chỉ được phép dưới 20%.

Theo Galloway, trong trận chiến kéo dài 4 ngày (14-17/11/1965) tại thung lũng Ia Đrăng, tổng cộng có 234 lính Mỹ tử trận, khoảng 250 người bị thương và là trận chiến đẫm máu, gây thương vong rất cao cho lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Theo trí nhớ của Galloway, có 6 chiến sĩ của Quân giải phóng bị bắt, nhưng sau đó trốn thoát được. Theo những tài liệu mà Galloway thu thập được, nếu tính trên toàn chiến dịch Plây-me của Quân giải phóng (19/10 đến 26/11/1965), con số lính Mỹ thương vong cao hơn nhiều.[4][5]

Ý kiến ở Việt Nam

Về ý kiến ở Việt Nam, nhà văn Chu Lai có nhận xét về bộ phim này, ông cho rằng đây là bộ phim giả tư liệu, giả nhân văn. Phải thừa nhận rằng với kinh phí khổng lồ, đạo diễn tài giỏi, diễn viên gạo cội, bộ phim tạo ra bầu không khí chiến tranh mà điện ảnh Việt Nam còn lâu mới tạo được. Nhưng thật đáng thất vọng vì đằng sau vẻ hoành tráng ấy lại là sự thiếu trung thực.

Nhà văn còn nhận định: "Tôi nói phim này giả tư liệu vì nó được mở đầu bằng một cuốn hồi ký, được xây dựng như một nhật ký chiến sự, chi tiết từng ngày, từng giờ, có địa danh thực, có nhân vật thực... nhưng lại không đi theo biên đạo lịch sử, nó làm sai lệch diện mạo thật của lịch sử, mà cụ thể ở đây là trận chiến Ia Đrăng. Còn tính giả nhân văn được thể hiện ở những trích đoạn tình cảm về thân phận người lính Mỹ, về gia đình con cái họ, cuộc chia ly mang màu sắc đề cao vai trò cứu thế của người lính Mỹ tại Việt Nam. Bộ phim đưa ra ý tưởng nhân văn nhưng lại thiếu tính con người nên gọi nó giả nhân văn".

Ông kết luận Chúng tôi từng là lính "thiếu tính trung thực nên nó đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia và phẩm chất văn hóa hai dân tộc. Mô típ làm phim của điện ảnh Mỹ là xây dựng hình tượng anh hùng. Bộ phim này cũng không nằm ngoài ý tưởng đó. Tuy nhiên, với tư cách một người từng tham gia các trận chiến giáp lá cà với quân đội Mỹ, tôi có thể nói rằng bộ binh Mỹ là đội quân yếu nhất trong các lực lượng bộ binh có mặt tại chiến trường miền Nam. Về vai diễn của Đơn Dương, tôi thấy đạo diễn xây dựng quá sơ lược, không có đất diễn và rất phiến diện".[6]

Một số ý kiến khác cho rằng trong bộ phim này, người lính Việt Nam được mô tả rất dũng cảm nhưng lạnh lùng, tàn nhẫn, đối nghịch với tính nhân bản được khắc họa rõ nét ở người lính Mỹ. Ngay mới vào đầu phim, khán giả đã bất bình với hình ảnh người bộ đội dùng lưỡi lê đâm vào lưng một sĩ quan Pháp trong cuộc chiến năm 1954. Cho dù trên chiến trận, đâm trước ngực hay bắn sau lưng cũng không mấy khác biệt, nhưng khi khắc họa trên phim, đâm sau lưng luôn là hình ảnh không đẹp của người lính. Sau đó, khi người lính thuộc cấp hỏi: "Thủ trưởng, chúng ta có bắt giữ tù binh không?" thì viên chỉ huy Nguyễn Hữu An (diễn viên Đơn Dương đóng) đã lạnh lùng đáp: "Không, giết sạch bọn chúng để không cho chúng tới đây nữa". Ngay lập tức những phát đạn vang lên giữa ánh mắt sợ hãi của hàng binh Pháp và hình ảnh Nguyễn Hữu An chĩa súng vào những tên hàng binh đang ngồi dưới chân mình sau đó đã đi xuyên suốt bộ phim. Trung tá Mỹ H. Moore ghi ra lý do khiến Pháp thất bại tại Đông Dương như tình báo, chủ quan, chiến đấu nơi xứ người... và sau cùng kết luận: thảm sát.

Bộ phim sau đó dẫn người xem tới cuộc bao vây tiểu đoàn 1, sư đoàn không kỵ thứ 7 của quân đội Mỹ do H. Moore chỉ huy (chính xác là 395 người) tại thung lũng Ia Đrăng trên Tây Nguyên của vị chỉ huy Nguyễn Hữu An. Đây là cuộc đụng độ đầu tiên giữa lính Mỹ và quân giải phóng chính quy Việt Nam. Gần như trận địa bị tràn ngập bởi "chiến thuật biển người" và áp sát của Nguyễn Hữu An khiến không quân Mỹ khó yểm trợ (trong phim có đoạn máy bay Mỹ thả bom napalm nhầm lính Mỹ). Cuối cùng, với xác người chồng chất, 400 lính Mỹ đã chiến thắng 2.000 quân giải phóng chính quy[7][8]. Tuy nhiên, các tài liệu lịch sử đã khẳng định: Quân Mỹ tham gia trận đánh có đến hơn 3 tiểu đoàn với hơn 1.000 quân. Kết quả trận đánh cũng khác hẳn so với bộ phim: Không hề có cuộc "phản công thắng lợi nào" của quân Mỹ như cuối phim. Thực tế họ bị phục kích và bị thiệt hại nặng, sau cùng phải lên trực thăng di tản khỏi trận địa.

Nhận định từ phía chính quyền Việt Nam cho rằng bộ phim này đã "xuyên tạc sự thật lịch sử và xúc phạm đến những giá trị thiêng liêng của một đất nước, một dân tộc đã từng hi sinh, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc mình. Những bộ phim như thế không đóng góp cho tiến trình hòa giải và xây dựng quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Mỹ". Đối với diễn viên Đơn Dương, chỉ riêng việc xin xuất cảnh đi Mỹ bằng thị thực thăm người thân, nhưng sau đó lại tham gia đóng các phim đã làm tổn hại chẳng những đến nhân cách và danh dự của bản thân anh ta mà còn làm tổn hại danh dự của đất nước, đó chẳng những là việc làm không đàng hoàng, minh bạch đối với một diễn viên chân chính mà còn là việc làm lừa dối pháp luật của Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ. Không chỉ ở Việt Nam, mà ở bất cứ nước nào, dù là người nổi tiếng, là ngôi sao nghệ thuật hay thể thao, đều có thể bị dư luận phê phán vì những hành vi hay thái độ sai trái của họ và diễn viên Đơn Dương cần lắng nghe những ý kiến của đồng nghiệp và công luận để rút ra cho mình những bài học và tránh bị ai đó lợi dụng.[9]

Diễn viên Đơn Dương (người đóng vai Nguyễn Hữu An) cho biết: "Kịch bản lúc đầu tôi được xem là rất tốt, về một trận đánh lớn ở Tây Nguyên năm 1965, nơi quân cách mạng Việt Nam đã tiêu diệt cả một tiểu đoàn dù Mỹ, sau đó Mỹ chỉ còn cách dùng bom napalm để san phẳng trận địa. Kịch bản sau đó đã bị sửa chữa, cắt xén sau sự kiện ngày 11 tháng 9 để làm tôn vinh những giá trị của người Mỹ. Cảnh quay có tôi khá nhiều nhưng khi lên phim chỉ còn một ít. Tôi rất tiếc về chi tiết nhân vật tôi đóng đã ra lệnh giết các tù binh trong cảnh mở đầu phim. Có một tù binh đã bị thương nặng ở cổ và trước sau gì cũng sẽ chết. Tôi không biết quy ước quốc tế về tù binh, cũng không biết nội dung kịch bản sau này cho thấy lính Mỹ rất tử tế với người thân của tử sĩ đối phương. Đây là một kinh nghiệm sâu sắc về làm phim với nước ngoài trong cuộc đời diễn viên của tôi".[7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chúng tôi từng là lính http://www.allmovie.com/movie/v259501 http://www.boxofficemojo.com/movies/?id=weweresold... http://www.imdb.com/title/tt0277434/ http://www.metacritic.com/movie/we-were-soldiers http://www.tcm.com/tcmdb/title/419310/We-Were-Sold... http://www.youtube.com/watch?v=LtyRtpyi5N8 http://vnexpress.net/GL/Van-hoa/2009/03/3BA0CE85/ http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/2002/05/3b9bc... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron...